Ngày hôm nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ kỹ thuật, các phương tiện truyền thông hiện đại ngày càng xuất hiện nhiều và trở nên gần gũi hơn với người dân, làm cho việc tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, và thông tin cũng đa chiều hơn. Nhờ đó, con người ta có thể hiểu và phân tích được tính khách quan, tính thời sự và tính xã hội của thông tin.
Với một cú click chuột, hay một vài cú chạm vuốt trên màn hình cảm ứng, con người ta có thể nắm bắt được thông tin của những sự kiện, con người cách họ cả nửa vòng trái đất.
Sự phổ thông toàn diện về thông tin, cùng với sự phát triển ồ ạt của các phương tiện kỹ thuật, ít nhiều giúp ích cho cuộc sống của con người, và làm bổ sung thêm nhiều kiến thức, sự hiểu biết, am hiểu của con người về thế giới, về thời đại và các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, cũng vì lượng thông tin khổng lồ, nên chất lượng thông tin kém, người ta đang ngổn ngang trong mớ thông tin hỗn độn, và đôi khi không biết đâu là thực, đâu là giả.
Những người làm tin, người đưa tin, vì muốn cho nguồn tin của mình nhanh chóng đến với đại chúng, nên sẵn sàng giật gân, giật tít, hoặc bất cẩn không kiểm duyệt, thậm chí còn dàn cảnh để dựng tin. Hoặc có nhiều nhà làm tin chuyên soi mói, bới móc chuyện "tế nhị" của người này người nọ, của tổ chức này, tổ chức khác để kiếm nguồn đọc giả.
Liệu chúng ta có thể tìm đâu được những nguồn tin mà nó phản ứng thực tế một cách đơn sơ, giản dị, nó phác họa nên một thực tại đang diễn ra với cái nhìn khách quan và chiều sâu cảm nhận vốn có của nó. Liêu chúng ta có thể tìm đâu một bản tin, bài viết mà cái chất, cái thực nó tồn tại trong đó một cách thuần khiết nhất, trong sáng nhất.
Một ngòi bút viết ra phải như là một luồng ánh sáng soi dẫn chân lý, niềm tin và niềm hi vọng, có như thế, thì cái chất, cái tinh hoa mới được phản ánh rõ nét và khách quan nhất. Sứ điệp của một bản tin, một bài viết phải là một sứ điệp của lòng nhân văn, của sự sống, của tình yêu, của niềm vui. Những yếu tố trên hòa quyện lại với nhau mới tạo thành một nguồn thông tin bổ ích và đích thực là thông tin.
Tôi có dịp tham gia những buổi tập huấn và học hỏi về truyền thông đưa tin; tôi được chia sẻ về cách viết một bài tin, và cách diễn tả nét thực của một bài tin như thế nào. Và tôi cũng có những bài tin được đăng trên một số trang web Công giáo.
Tôi nhận ra sau tất cả rằng, viết tin, viết bài chia sẻ cần nhất là cái tâm, cái sâu sắc và nhạy bén của người viết. Đôi khi chúng ta cần viết về điều gì đó cách ngắn gọn, xúc tích nhưng không được thiếu ý; hoặc có lúc cần trình bày đầy đủ chi tiết nội dung cần truyền tải nhưng không lang man, dư thừa. Trong bài viết cần có nhìn nhận khách quan, không quá tâng bốc, đề cao, hay hạ bệ, chà đạp những người được nhắc đến; tránh để cảm xúc chủ quan chi phối lên nội dung bài viết. Hơn nữa, chúng ta cần có trách nhiệm với những gì mình viết ra, và cần dùng con tim để viết, thì mới mong bài viết hay, ý nghĩa và thực chất.
Sau khi nghe chia sẻ của một Linh mục trong về Truyền Thông, đặc biệt là truyền thông Công giáo, chắt lọc được bấy nhiêu nội dung, viết ra đây trong bối cảnh thông tin bây giờ nhiễu loạn, vô tội vạ.
Giọt Trầm
26.09.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét