Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Hoài niệm và tri ân



Người thầy - Hình ảnh rất quen thuộc với mỗi người chúng ta. Ai cũng có một thời cắp sách đến trường, cũng một thời học trò, với những người thầy cô, bạn bè... Ai cũng một vài lần được cô giáo cầm tay nắn nót cho những nét chữ đầu đời, hoặc tập đánh vần bảng chữ cái i, t... Trong chúng ta, hình ảnh người thầy người cô là hình ảnh rất đậm nét, gần gũi. 


     Với một thời tuổi thơ, còn cắp sách đến trường, thầy cô như là người cha mẹ thứ hai của mỗi người. Theo truyền thông xưa, vai trò người thầy đặt lên rất cao, đứng sau vua "Nhất quân, nhì sư, tam phụ!". Người Việt Nam dành ngày 20.11 hàng năm để tri ân các nhà giáo, những con người đặt tâm huyết vì lý tưởng trồng người. Vì thế, trong lòng mỗi người hẳn có những kí ức về những người thầy, người cô thật đẹp, thật kì diệu, đáng nhớ. 
     Tôi cũng thế, tôi cũng trải qua thời học trò, tôi cũng có những kỉ niệm thật khó quên với các thầy cô. Nhân dịp ngày nhà giáo sắp đến, tôi viết bài này nhằm khơi dậy chút kỉ niệm về thầy cô của mình, như một lời nhắc nhở bản thân luôn tri ân đến thầy cô giáo của mình, những người đã ươm trồng mình từ một mầm non cho đến khi trưởng thành như bây giờ. 
     Tôi cảm nhận được rất nhiều tình cảm từ những người thầy cô của tôi, những người từng dạy dỗ, truyền đạt kiến thức, những người từng hướng dẫn, dìu dắt, nâng đỡ bước chân tôi. Từng bước tôi đi trên con đường học vấn, ngay từ những bước chân chập chững co đến lúc thành công, có rất nhiều ánh mắt thầy cô dõi theo, nâng đỡ. Tôi nhớ rất rõ những kỉ niệm, những hình ảnh thật dễ thương, thật ý nghĩa, giàu tình yêu của các thầy cô dành cho tôi.
     Hình ảnh người thầy đầu tiên và tôi không thể nào quên đươc là sơ Giang, hiện nay là Dì Giáo của Dòng Mến Thánh Giá Tân Việt, tôi được học sơ từ lúc mới bắt đầu đi học lớp tình thương của giáo xứ. Tận tình, ân cần và một chút nghiêm khắc là tính cách của sơ. Chữ của tôi viết từ trước đến giờ rất xấu, sơ đã cầm tay nắn nót hoài mà tôi vẫn không viết chử đẹp được. Sau này có dịp gặp sơ cứ kể hoài: "hồi xưa dạy cậu, cứ đứng bên cậu thì cậu viết nắn nót, từ tốn, đi chỗ khác một lát quay lại thì không đọc được gì nữa". Thời đấy học lớp tình thương mà vui, có bữa ăn trưa tại lớp nữa. Giờ nhớ lại thời đó thật sự muốn quay lại.
   Người thứ hai tôi ấn tượng là cô giáo Lê Thị Mơ, giáo viên chủ nhiệm năm tôi học lớp hai. Người cô nhỏ con, nói giọng bắc, nhưng giọng rất nhẹ nhàng, hiền và ân cần. Lần đó tôi bị tai nạn giao thông, nằm ở nhà gần 2 tháng trời. Nhớ lại ngày đó thật là khủng khiếp, gót chân tôi bị ăn lạm xém nữa gót, không đi đứng gì được hết, hai tháng trời, chiều nào sao giờ dạy cô cũng đạp chiếc xe đạp vào nhà tôi, lúc thì cô vào một mình, lúc thì vào chung với một số bạn. Cô nhờ các bạn viết bài dùm tôi, cô thì giảng bài cho tôi. Có những chiều trời mưa, cô bạn chiếc áo dài phải cuốn lên, buộc lại, vẫn chiệc xe đạp với chiếc áo mưa cũ vào thăm tôi. Có lẽ lúc đó tôi chỉ mới bảy tuổi nhưng hình ảnh của cô thật sự đã ghi dấu rất đậm trong tôi, không thể nào quên được. Một người cô rất ân cần và hiền từ. Tôi đã mất liên lạc với cô sau đó một vài năm, giờ tôi muốn tìm lại thông tin của cô, tôi có hỏi các giáo viên dạy trường đó nhưng đa phần họ không nắm rõ.

Ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu ngày xưa (giờ đã khác ảnh này)

    Đầu năm cấp hai, người giáo viên chủ nhiêm của tôi là một cô giáo trẻ, mới ra trường. Cô Nguyễn Thị Ánh. Là một giáo viên dạy Văn và Giáo dục công dân, cô rất mực tận tình yêu thương và nâng đỡ chúng tôi. Năm đấy tôi cũng gặp chút vấn đề về sức khỏe, trong một giờ hội giảng của cô, do tôi đang ốm nên đã nôn ngay tại lớp, và gần như ngất đi. Sau vài câu nói chuyện với hội đồng dự giờ có mặt trong buổi hội giảng đó, với trách nhiệm và tính thương của người giáo viên chủ nhiệm, cô đã gửi lại lớp cho một giáo viên khác đê chở tôi ra trạm xá, sau đó chở về nhà, Và cô cùng các bạn thường hay ghé nhà thăm, động viên, khích lệ và chép bài vở giúp tôi. Cô rất thích chúng tôi về nhà trọ của cô chơi. Năm ấy là một năm có thật nhiều kỉ niệm khó quên. Chúng tôi học môn Công nghệ, tới phần nấu ăn, sau những giờ thực hành, các món ăn được làm nên, chúng tôi mang ghé lại nhà cô, cô trò cùng ăn. Rồi những chiều cô trò đi ăn chè, nói chuyện phím. Còn nhớ một lần, cô trò ngồi quán chè, có anh Dũng, một người anh của cô bạn chung lớp với tôi đi cùng, nhà cô bạn này là lò mổ gà, chuyên cung cấp thịt gà cho các tiểu thương ở chợ. Hôm ấy chúng tôi cùng nhau ghép vài câu thơ mà hơn 10 năm rồi, tôi không quên một chữ: 


"Chiều nay Xuân Tâm rộn tiếng cười
Cả lớp ăn chè anh Dũng bao
Cô Ánh kêu lên chè ngon quá
Ăn xong cô lại thèm gà ta."

Rồi cũng năm đó, trường tổ chúc cuộc thi tìm hiểu về luật phòng chóng Ma túy và tệ nạn xã hội, chúng tôi dành thắng lợi ở cuộc thi khối 6, sau đó là tham gia cuộc thi trường với đại diện các khối 7, 8, 9, phần thi cấp trường có phần dựng tiểu phẩm, thế mà cũng tôi cũng "qua mặt" các anh chị khối trên và đoạt giải nhất toàn trường, và tôi cũng là một thành viên trong đội tuyển của lớp. Thật sự rất vinh dự cho lớp và cho cô giáo. (Tiểu phẩm của chúng tôi được chọn để diễn vào đêm văn nghệ Mừng xuân tại UBND Xã). Có lẽ cô rất tự hào về lớp chúng tôi. Cô cũng tân tình khuyến khích động viên tôi trong việc học, năm đó là năm duy nhất trong cuộc đời học sinh tôi đạt học sinh giỏi cả hai kì và cả năm, ngoài ra tôi còn có thêm các phần học bổng khác. Thật cám ơn cô.
   Lớp 9 tôi cũng được chủ nhiêm bởi một cô giáo dạy văn, cô Nguyễn Thị Lộc, cô đã từng dạy văn tôi lớp 8. Lúc đó, cả trường điều nghe tiếng cô khó, dữ. Nhưng sau một năm học cô lớp 8, lên lớp 9 thấy cô chủ nhiệm, lớp chúng tôi mừng lắm. Dường như chúng tôi có thiện cảm với cô trong từng bài giảng văn, cô đưa chúng tôi vào từng câu chuyện, từng tình huống, từng tác phẩm văn học thật hay và hấp dẫn. Cô rất tận tình và chu đáo, tính cọ hơi nghiêm nghị nhưng theo sát từng học trò, hoàn cảnh, học lực... Cô dành nhiều thơi  gian để gặp gỡ trao đổi trò chuyện với lớp, vời từng học trò, cô tận tình giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh trong lớp, trong đó có tôi. Cô là người đã để lại cho tôi khá ấn tượng về người giáo viên luôn sát cánh đồng hành cũng học trò trong suốt chặng đường. Đến bây giờ, tết đến cô vẫn ghé vào nhà tôi, thăm tết bà ngoại tôi.
Cô Nguyễn Thị Lộc - chủ nhiêm lớp 9/7 (2006-2007)

   Thầy Nguyễn Văn Hùng, người thầy dạy toán cho tôi suốt 3 năm THPT, và cũng xem như chủ nhiệm tôi cả ba năm, dù chỉ có năm lớp 11 thầy chủ nhiệm hết đủ một năm, hai năm kia thầy chỉ chủ nhiệm được vài tháng. Một người thầy rất nhiệt tình, thẳng tính và hết lòng tận tụy, thầy có phụ đạo thêm cho các bạn học yếu, kém. Chương trình dạy của thầy làm chúng tôi rất thích thú, dù môn toán là môn khô khan. Lớp tối rất mến thầy và dành nhiều tình cảm đặc biệt cho thầy. Vì một số lý do không đáng có, sau năm chúng tôi tốt nghiệp, thầy rời ngôi trường Xuân Hưng để lên Sài Gòn dạy. Có lẽ thầy rất tiếc nuối và trăn trở khi phải rời ngôi trường mà thầy gắn bó bao lâu nay, cùng với tình cảm của bao thế hệ học trò cùng tôi. Nhưng cũng vì thầy lên Sài Gòn nên thầy trò chúng tôi có dịp gặp gỡ nhiều hơn, thân mật với nhau hơn. Tôi tự hào vì được xem như là một trong những đứa học trò ruột của thầy. Ngày tôi tốt nghiệp đại học, thầy có gửi quà cho tôi, thầy còn hỏi thăm quá trình xin việc và công việc của tôi. Sắp tới ngày nhà giáo này, chúng tôi sẽ ghé thăm thầy. Người thầy đáng quý của chúng tôi.
Thầy Nguyễn Văn Hùng - Chủ nhiệm 10C13, 11C1, 12C1 và dạy toán


    Cũng có khá nhiều thầy cô giúp đỡ tôi cách này cách khác, động viên khích lệ trong bước đường của tôi đi, Các thầy cô luôn sát cánh bên tôi, luôn đồng hành với tôi, và tôi tin chắc rằng, các thầy cô cũng rất vui mừng khi nghe tin tôi thành đạt như ngày hôm nay. Cô Nguyễn Thị Phước, người cô chủ nhiệm lớp 5, lớn tuổi nhưng rất tận tình, ân cần và niềm nở.
Cô Nguyễn Thị Phước
 Cô Nguyễn Thị Bích Phương, chủ nhiệm năm lớp 10 sau khi thầy Văn Hùng chủ nhiệm một thời gian - một giáo viên mới ra trường, nhưng khá thân thiện với học sinh, năm ấy có lẽ chúng tôi quá quậy, nên cô cũng bị rớt thành tích theo. Thầy Mai Hữu San, chưa bao giờ dạy tôi, nhưng là một thầy Tổng Phụ trách hết lòng với học sinh, với các đội viện, thầy ân cần giúp đỡ và dành những xuât học bổng cho những học sinh khó khăn. Tôi còn nhớ rất nhiều kỉ niệm về thầy, Kỳ đi chơi Phan thiết hai ngày một đêm do tỉnh tổ chức cho học sinh khó khăn, trường tôi có 2 học sinh tham  gia, trong đó có tôi; rồi lần tôi được thầy hỗ trợ để nhận suất học bổng là một chiếc xe đạp mini. Thầy chở tôi và xe đạp từ huyện về nhà, gần 8 cây số giữa trưa... 
Tấm hình nhận học bổng là chiếc xe đạp 
chính Thầy Mai Hữu San đã giúp tôi làm hồ sơ để nhận

Thầy con giúp đỡ chi nhiều hoàn cảnh khác, giờ đây thầy là hiệu trưởng của một trường cấp 2, theo dõi tin tức về thầy, thấy thầy vẫn như vậy, yêu thương, dùm bọc, nâng đỡ học trò, đặc biệt các trò nghèo, khó khăn. Đọc đoạn status trên facebook của thầy viết về tôi làm tôi thực sự cảm động và tự hứa sẽ cố găng hơn trong cuộc sống "Đứa học trò nghèo khó ngày xưa, giờ cũng đã TN ĐH được một năm. Còn nhớ nụ cười hiền của e, nhiều buổi đến trường với chiếc áo màu " cháo lòng", quần ống thấp ống cao, cơm ăn bữa đói bữa no phụ thuộc vào ngày công làm thuê của mẹ...Dõi theo e đc mấy năm THCS, sau k có đk để tiếp sức giúp e ngoài những lời nguyện chúc em sớm hoàn thành việc học...có nghề nghiệp để tự lo cho bản thân và phụ giúp cho bà, mẹ...với nổ lực vượt lên hoàn cảnh, e đã hoàn thành CTĐH, kiếm được việc làm khá phù hợp...Hy vọng e tiếp tục cố gắng, dành dụm để lo cho bản thân và phụng dưỡng bà, mẹ...luôn sống " có nhân, có nghĩa" như tên e nhé Nguyễn Nhân Hữu Nghĩa..."
Thầy Mai Hữu San - tổng phụ trách đội THCS Nguyễn Đình Chiểu 
(nay là Hiệu trưởng trường TH-THCS Nguyễn Hữu Cảnh)

     Rồi các thầy Nguyễn Quốc Bạch, Phạm Đạt Hùng, giúp đỡ tôi những lúc khó khăn nhất. Nếu không có hai thầy và thầy Nguyễn Văn Hùng, chắc tôi sẽ không thể bước chân vào giảng đường đại học, các thầy đã giúp chúng  tôi ôn luyện kiến thức các môn toán, lý hóa, cũng như tư vấn giúp chúng tôi chọn ngành nghề, Thầy Đạt Hùng đã ngăn cản không đê tôi theo ngành sư phạm nhưng lại gợi ý cho tôi đi ngành công nghê thông tin, và bây giờ tôi không hối hận vì chọn theo sự gợi ý của thầy, tôi thầm cám ơn thầy, tôi đã ra trường và có công việc phù hợp với ngành nghề, ngày tôi thi thầy con lên Sài Gòn, rồi ghé chở tôi đi lễ, sau đó giải đề thi sau khi thi xong môn lý, Thầy Quốc Bạch rất lo lắng cho chúng tôi trong kì thi, vừa thi xong môn đầu tiên là môn toán, thầy đã gọi điện hỏi thăm tình hình như thế nào, khích lệ cố gắng. Ba thầy này còn quyên góp cho tôi một khoảng tiền đê đóng học phí lúc tôi làm hồ sơ nhập học sau khi đã trúng tuyển đại học. Tình cảm của các thầy thật cao quý, các thầy luôn dõi mắt theo chúng tôi trong suốt quá trình học đại học, và đến khi ra trường, tìm kiếm công việc, cách này cách khác các thầy luôn dõi mắt theo bước chân những đứa học trò như chúng tôi. Rồi cô Lê Thị Thơm, cô Nguyễn Thị Doan, cô Hà Giang, cô Nguyệt, thầy Cương (toán 6), cô Hòa... các thầy cô đã từng dạy dỗ và nâng đỡ, ủi an, khích lệ, Thậm chí có những trận đòn, la mắng của các thầy cô, như của sơ Giang lúc tôi mới đi học lớp tình thương, của cô Thủy dạy lớp một, của thầy Nguyên dạy Lý lớp 7... cũng để lại nhiều bài học ý nghĩa và sâu sắc mà tới bây giờ tôi mới cảm nhận được hết ý nghĩa. 
   Có được như ngày hôm nay, ngoài sự cố gắng của bản thân tôi, tôi cảm thấy tất cả là nhờ phần lớn vào công ơn dạy dỗ của quý thầy cô, của những người trong sự nghiệp giáo dục. Tôi thầm cám ơn quý thầy cô, những người thầy đã từng đem đến ánh sáng trong đời tôi, những người thầy đã từng đe lại trong tôi rất đậm dấu. Nguyện xin ơn trên ban xuống bình an cho quý thầy cô và gia đình, cho công việc và cuộc sống của thầy cô. Vì lý tưởng trồng người, tôi xin chúc cho quý thầy cô luôn luôn hăng say va nhiệt tâm để đào tạo nên nguồn tương lai cho xã hội. 
   Một lần cuối, nhân ngày 20-11-2015, xin gửi lời chúc và lời tri ân sâu sắc của đứa học trò nhỏ này đến quý thầy cô. 
Lệ Hải 20.11.2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét