Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

Người lái đò hưu


Dòng sông lặng lẽ êm trôi
Con đò đưa khách từng hồi sang ngang
Sang sông khách vội lên đàng
Để đò lặng lẽ miên man quay về

Khách đi chẳng hẹn dịp về
Tương lai xa lắm lối về biết đâu
Vẫn dõi đôi mắt u sầu
Người lái đò cũ mái đầu bạc hơn.

Cũng từng là một người khách đò trên những chuyến đò tri thức, tôi cập bến và tiếp tục hành trình cho tương lai, tôi đi tới những mục tiêu, nhưng hoài bão trong chuyến hành trình vạn dặm của cuộc sống. Còn những người đưa đò kia lại quay về, tiếp tục chèo chống cho các lớp khách đò khác. Rồi dù có mải miết với bộn bề cuộc sống, hình ảnh người lái đò năm xưa vẫn nằm đó trong tâm khảm của những người khách đò như tôi, để rồi khi tiết trời se se lạnh trở về trong những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11 hàng năm, lòng tôi lại nôn nao khó tả.

Ngồi khắc họa lại hình ảnh những người “lái đò” năm xưa, những người thầy đã từng dạy dỗ tôi, tôi chợt nhận ra sự vô tình, sự dứt khoát của thời gian, cũng như sự nhạt nhòa, vô tâm của con người. Thầy tôi đấy, vẫn ở đấy để chuẩn bị hành trang cho bao lớp người trẻ đi tìm kiếm tương lai; thầy tôi đó, vẫn âm thầm dõi mắt nhìn về, hướng theo bước đường những đứa học trò bé bỏng, nhưng những người mẹ già mong ngóng con xa…

Viết đến đây, tôi chợt nghẹn ngào… Phải chăng, tôi quá vô tình, phải chăng, tôi quá vội vàng chạy theo bề bộn, mà lặng lẽ quên đi hình ảnh củ ngày nào của thầy tôi. Những người thầy vĩ đại, những người thầy đáng kính.

Cô Nguyễn Thị Lộc – hình ảnh người giáo viên quá quen thuộc với học sinh Trung học cơ sở thời chúng tôi, một giáo viên dạy Văn khá nghiêm khắc, nhưng rất tình cảm và dạy rất hay, cô truyền cảm xúc vào từng lời văn, lời thơ để diễn giải cho chúng tôi. Tôi đươc học môn Văn của cô hai năm, và được cô chủ nhiệm năm lớp 9, và tôi vẫn nhớ nhiều kỷ niệm về cô. Tôi nhớ như in cái lần mà tôi nói dối gia đình đi tập nghi thức Đội viên, rồi cùng các bạn trong lớp đạp xe lên thị trấn tắm hồ bơi và trượt pan-tin, sự việc dường như sẽ không bị cô và gia đình phát hiện, nếu như chúng tôi không gặp sự cố nhỏ là một trong số chúng tôi bị gãy tay trong quá trình chơi pan-tin phải băng bột. Sự việc này làm cô buồn và giận lắm, nhưng rồi vài ngay trôi qua, với lòng bao dung vị tha của người mẹ, cô vẫn cứ ân cần răn dạy chúng tôi.

Kể về cô, nhiều người trong thế hệ chúng tôi sẽ có chung nhận định, cô rất nghiêm khắc. Có thể nói, cô là khắc tinh của các thành phần cá biệt, tuy nhiên, phải học qua cô, phải được cô chủ nhiệm mới nhận ra một điều là, cô răn dạy và uốn nắn các thành phần cá biệt một cách rất tâm lý sâu sắc. Có những bạn, vì kết quả học tập kém cùng với rèn luyện hạnh kiểm yếu do thuộc thành phần cá biệt nên phải ở lại lớp, phải một hai xin giấy chuyển lớp vào lớp mà cô Lộc chủ nhiệm mới chịu học.

Nhiều năm sau tốt nghiệp Trung học cơ sở, chúng tôi cũng thường tụ tập ở nhà cô dịp 20-11 hay dịp Tết, rồi cơ hội tụ tập ít dần khi chúng tôi phải đi Sài Gòn học tập và làm việc, tuy nhiên cô vẫn cứ thăm hỏi, khuyên lơn. Có bạn học cùng lớp tôi, vì tai nạn giao thông mà qua đời, cô cũng thường đến thăm viếng mộ phần nơi nghĩa trang mỗi dịp giỗ, rồi đám cưới thành viên nào trong lớp tôi, cô cũng sắp xếp tới dự.

Cô đã về hưu vài năm gần đây, cô tự tạo cho mình một vườn hoa lan, để chăm sóc và vui hưởng tuổi hưu trong vòng tay của gia đình và các thế hệ học trò. Tôi thỉnh thoảng có ghé thăm cô, và luôn mong cho cô được giữ mãi tinh thần yêu thương, quý mến học trò, luôn khỏe mạnh và luôn có nhiều niềm vui. Chúc cho cô có được niềm vui trọn vẹn trong ngày lễ kỷ niệm Nhà Giáo Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét