Và sau sự việc này, tôi mới nghiệm ra rằng, sức tôi có thể làm tốt hơn, làm được hơn nhiều những chuyện này, và nếu tôi bình tĩnh hơn, nếu tôi thấu đáo hơn, có lẽ tôi sẽ còn có nhiều lực hơn để tập trung lo cho việc chính, chứ không dễ bị đuối.
Những ngày qua, cậu con trai 22 tháng tuổi của vợ chồng tôi
ho, nôn ói và tiêu chảy rất nhiều khiến vợ chồng tôi lo lắng phải đưa con đi bệnh
viện kiểm tra. Cậu bé chưa ăn gì ngoài việc uống sữa, nó mập to hơn các bé cùng
tháng, mà hầu như bác sĩ nào cũng cảnh báo với vợ chồng tôi về tình trạng “béo
phì” của con. Sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ yêu cầu chúng tôi
cho con nhập viện để kiểm tra theo dõi với lý do “rối loạn tiêu hóa”.
Con tôi được dẫn vào nhập viện cũng gần 3g chiều, chỉ có một
thân nhân được phép vào khu nội trú lo cho bé. Tôi bế con đi theo cô y tá vào
trong khu nội trú để làm hồ sơ nhập viện, trên tay chỉ xách một chiếc giỏ nhỏ
chứa 1-2 bộ đồ và vài chiếc tả, sữa và nước uống của con. Thằng bé quấy khóc cứ
vòi bế hoài trên tay, với cân nặng trên 20kg thì việc bế con, vừa xách đồ và chạy
giấy tờ cũng khó khăn, đặc biệt là lần đầu tiên chạy làm thủ tục nội trú kiểu
này, chưa kể là cả một ngày loay hoay với việc khám, xết nghiệm nên cả ba và
con cũng thấm mệt.
Con mệt mà không chịu nằm, nên ngủ gục khi ngồi dựa vào thành giường |
Lần đầu tiên vào không gian chật hẹp, nhiều người, thằng bé
cứ ôm chặt lấy cổ tôi, không chịu buông, phòng con nằm có 8-9 giường kê sát
nhau. Tôi đặt balo xuống, cho con uống một chút nước rồi một tay bế con, một
tay tôi dọn dẹp lại chiếc giường. Xong đâu đấy, ba con tôi lại ngược ra lại cổng
khu nội trú để lấy thêm đồ, mẹ và vợ tôi đang ở đấy. Lúc này tôi mới để ý, đoạn
đường từ khu nội trú ra tới cổng tầm 500-600m, cũng khá vất vả khi lần quần với
con nhỏ, đồ đạc…Tôi để con chơi với bà và mẹ ngay tại khu vực cổng (thay nhau
ra vào vì chỉ có một người được vào cổng) rồi chạy đi mua thêm vài thứ cần thiết
(tã, sữa, bình nước sôi…)để sử dụng trong bệnh viện.
Hôm đầu tiên nên tôi dành phần lo cho con trong bệnh viện,
tôi dặn vợ tôi đi mua thêm ít đồ dùng gửi vào. Lúc đầu con khá hoảng khi vào
trong phòng nằm, phải vất vã lắm thì cậu ta mới hợp tác được một chút, chịu uống
sữa, chơi đồ chơi, vẫn khó chịu, cáu bẩn và cứ đòi bế. Buổi tối lúc đầu hôm,
tôi dỗ con nằm trên giường, tôi ngồi trên ghế quạt cho con ngủ vì chiếc giường
xa quạt, khá nóng. Đến khuya tôi cũng xếp chiếc balo cuối giường con để ngồi tựa
lưng vào tường cho đỡ mệt, một chân tôi gác lên chiếc ghế nhựa sát giường, chân
con lại tôi duỗi theo thành giường để chắn cho con khỏi rơi xuống, ngồi vậy chứ
tài nào ngủ được. Con cựa quậy là tôi phải quạt liên hồi cho con, suốt đêm con
tôi đi tiêu chảy 12 lần, và cũng ho ói, tôi phải thay tã cho con liên tục, thay
cả ra giường cho con đến tận hai lần vì con làm tràn ra cả giường. 3g sáng con lên
sốt 39 độ, tôi bế con sang phòng trực để bác sĩ kiểm tra và cho uống thuốc hạ sốt.
Con khóc cả đêm, làm phiền các bé nằm cùng phòng rất nhiều, nhưng cũng đành chịu
vậy, con trẻ bệnh nên chắc ai cũng thông cảm.
Bước sang ngày thứ hai, con quấy khóc từ 5g sáng, tôi phải vừa
bế con, vừa vệ sinh cá nhân, rồi lau rửa vệ sinh cho con, hai ba con tôi bế
nhau ra căn tin mua nước sôi ổ bánh mì, ly café, tôi pha sữa cho con uống và tranh thủ gặm bánh mì lót lòng. Dự định
sau khi bác sĩ thăm khám xong thì vợ vào thay cho tôi. Tuy nhiên, với tình trạng
tiêu chảy nhiều như con, cũng như uống sữa vào là ói, bác sĩ chỉ định đưa còn
vào phòng cấp cứu chuyền dịch. Tôi nhắn với vợ tôi là có mua gì đem vào thì gửi
vào cho tôi, vì con chuyền dịch nên tôi không bế con ra được, cứ ở ngoài chờ
tin.
Tôi đưa con lên lấy máu và lấy ven để chuyền dịch, phải lấy
ven 3 lần cả tay và chân thì mới có thể cố định kim để chuyền dịch, nhìn con
khóc ngất người, tôi xót vô cùng, tôi như đau từng chút theo con. Thằng bé còn
tự tay nhỏ cái nắp ven ra làm máu chảy tung tóe, khiến tôi phát hoảng kêu y tá ầm
ỹ, mà quên để ý xung quanh. Tôi hiểu là con đau đến dường nào, và sợ đến dường
nào. Một chiếc giường trong cấp cứu nằm hai ba bé, tôi vừa bế con, về dọn từng
túi đồ từ phòng nằm thường sang phòng cấp cứu; đồ thì nhiều, con thì nặng,
nhưng tình yêu con, thương con trong tôi lớn lao vượt qua tất cả. Nhưng cũng kể
từ giờ phút này, cũng vì do mệt mỏi thêm vào một phần từ phía y tá, bác sĩ và
các phu huynh khác nên tôi nóng hơn, cọc hơn.
Lần đầu tiên thằng bé phải chuyền dịch, nó hoảng sợ, không
chịu nằm, tôi phải dỗ con đủ kiểu cũng không ăn thua, lại thêm các cô y tá bảo
tôi là chưa dọn dẹp hết đồ bên phòng kia để cho người khác nằm, tôi càng mệt
hơn, mất bình tình hơn. Tôi pha sữa cho con bú, thì các cô y tá bảo tôi là phải
pha ra ly rồi đút chứ bú bình sợ ợ hơi, tại con đang theo dõi về tiêu hóa, hơn
nữa bác sĩ ra bảo con tôi giờ bú vào là ói nên đừng chiều con, quan trọng nhất
là dỗ con để làm sao con nằm yên chịu chuyền dịch.
Trời ơi, để con nằm
yên ngoan ngoãn mà không có bình sữa trong khi nó đang đòi, đang quấy là đều
không thể!
Tôi cũng cố gắng dỗ con, đút cho con từng muỗng sữa, nói
chuyện với con nhẹ nhàng, hát khe khẽ cho con bình tĩnh lại; thằng bé cũng hiểu
chuyện và hợp tác. Nó nằm yên, tay duỗi ra để chuyền dịch. Con còn chịu nằm một
mình để cho tôi chạy đi dọn dẹp phòng cũ, đi vệ sinh và mua thêm nước sôi, tã sữa.
Ngay lúc cần chiếc điện thoại để liên lạc với bên ngoài, thì
nó bị hư màn hình, không biết ai gọi hay nhắn gì, tôi mượn điện thoại của các
phụ huynh khác để gọi báo cho vợ tôi là điện thoại hư, có gì cứ gửi đồ vào. Thằng
bé cũng thấm mệt, tôi nói chuyện và quạt một hồi thì nó ngủ say, tôi mới dọn dẹp
sắp xếp lại mọi thứ, rửa ly, bình sữa. Tôi mua một lon Redbull uống để cho tỉnh
táo. Vợ tôi cũng gửi đồ thêm vào cho tôi và mua cho con tôi cuốn sách về các loại
xe (thằng bé mê xe hơn cái gì hết, và cũng thích lật sách coi nữa).
Thằng bé ngủ một giấc gần hai giờ đồng hồ, một chai dịch đã
chuyền xong và thay sang chai thứ hai, nó dậy và tôi lại tiếp tục dỗ dành, chơi
với con, đưa cuốn sách xe mẹ gửi vào cho con xem, nó có vẻ hào hứng. 2g trưa,
tôi quyết định ra ngoài để vợ tôi vào với con, có vẻ con cũng vui vẻ chơi rồi,
mà tôi biết vợ cũng đang nóng ruột không biết tình hình con ra sao. Tôi dụ con
nằm chơi tôi đi vệ sinh, rồi tôi đi ra thẳng cổng chỉ đường cho vợ tôi vào với
con. Tôi lang thang đi ra đường 3/2 tìm mua một chiếc điện thoại cũ để có gì tiện
liên lạc.
Thằng bé chỉ chịu nằm yên đến hết chai dịch thứ hai rồi lại
đòi bế, không chịu nằm nữa, bác sĩ phải cho về nằm phòng lại. Vợ tôi bảo thằng
bé cũng hợp tác để mẹ dọn dẹp đồ về phòng rồi mới bế về. Sau đó vợ tôi đưa con
ra ngoài làm siêu âm, có tôi và mẹ tôi ở sẵn bên ngoài. Con tôi lại tiêu chảy,
tôi đeo thẻ nuôi bệnh để vào lấy đồ thay cho con thì bảo vệ lại bắt tôi bế con
theo, thằng bé thì đang tiêu chảy dơ bẩn, tôi không còn bình tĩnh nữa nên gây với
hai anh bảo vệ, cự cãi hồi vẫn không được thông cảm, tôi đi ngược ra ngoài mua
tã và khăn lau cho con, rồi tôi để mẹ tôi đưa con vào với cháu.
Tối hôm thứ hai, bà nội cháu dành phần lo cho cháu, vợ tôi
cũng lo lắng nên nằm ngủ tại bệnh viện, không chịu về, còn tôi thì chạy về nhà
nghỉ ngơi đôi chút. Nhưng nào có ngủ được, tôi lo không biết con có khỏe không,
còn ói hay tiêu chảy hay không… Đêm đó con chỉ đi tiêu chảy một lần và ói một lần,
còn không sốt.
Ngày thứ ba của con ở viện, sau khi bác sĩ thăm khám và cho
biết bé sẽ tiếp tục theo dõi, tôi vào thay cho mẹ tôi, để mẹ tôi và vợ tôi về
phòng trọ. Thằng nhóc tỉnh táo hơn, không còn ói, tiêu chảy nên người đỡ hơn,
nhưng nó quấy hơn, khó hơn. Nó nhất định không vào phòng, cứ đòi bế ra ngoài,
vào phòng là khóc. Có bà cô kia đi chăm cháu, khó chịu khi con tôi khóc, cứ bảo
bế ra ngoài cho cháu cô ngủ. Tôi thấy bực mình, con nít bệnh quấy mà người lớn
không thông cảm, đi bệnh viện chứ có phải ở nhà mình đâu. Đêm hôm trước tôi ngủ
lại, cô đó thức coi phim kiếm hiệp mở loa rất lớn lúc khuya, tôi và vài phụ
huynh cũng khó chịu nhưng không nói gì, giờ trẻ con con tôi bệnh khóc quấy thì
lại khó chịu. Lúc đó tôi kiềm chế lại để dỗ con, nhưng cũng khó chịu bực bội lắm.
Thằng nhóc cũng khó chịu nhưng cũng chịu ngủ một chút, rồi uống sữa, coi
youtube.
Con coi xe, thú trong youtube |
Chiều hôm đó, vợ tôi vào chăm con thay tôi, thằng bé lại giẫy
nãy không chịu vào phòng mà bắt mẹ bế đi ra ngoài, vợ tôi để điện thoại trong
giỏ cũng không kịp lấy ra bỏ túi, tôi gọi hoài mà không thể nào gọi được. Vợ
tôi nhỏ con ốm người, bế thằng nhỏ hơi đuối, mà con thì cứ bắt bế trên tay,
không chịu xuống. Dù đã liu thiu ngủ trên vai mẹ rồi mà mẹ quay hướng về phòng
là giẫy nãy, khóc la om sòm. Đến khi 3g chiều gọi được cho vợ và mẹ tôi vào
thay cho vợ, Vợ tôi rã rời vì ôm con suốt 3-4 tiếng đồng hồ. Tối hôm đó bà lại
nằm với cháu, vợ tôi lại ngủ lại bệnh viện còn tôi thì chạy về nhà.
Ngày thứ tư nằm viện, mẹ tôi báo là bác sĩ cho ra viện, tôi thay
cho mẹ tôi vào chăm con, con đã tỉnh táo hẳn, hết tiêu chảy, hết ói. Nhưng con
vẫn quấy, tôi phải mua thêm đồ chơi và
hát cho con chơi, rồi dỗ con ngủ. Tôi chỉ mong sao được đọc tên đi làm giấy tờ
ra viện. Đến lúc được đọc tên, tôi mừng vô cùng, tôi tự nhủ sẽ tự xoay sở được
nên để cho mẹ và vợ tôi ở nhà, tôi một tay bế con, chạy lăng xăng ký giấy tờ,
đóng viện phí, lấy thuốc men, rồi pha cho con bình sữa để con uống, tôi dọn dẹp
đồ đạc cho con và dọn lại giường bệnh cho con gọn gàng. Rồi một tay bế con, một
tay xách lỉnh khỉnh các balo đồ đạc ra cổng bệnh viện bắt taxi về. Ra khỏi công
bệnh viện, thằng bé vui tươi tỉnh táo hắn, nó huyên thuyên hát nói đủ trò, tay
trỏ đếm từng chiếc xe chạy ngòa đường phố. Lên xe xong xuôi rồi, tôi mới gọi về
cho vợ thôi thông báo đã xong xuôi mọi thứ.
Con tôi dường như lớn hơn một chút, dường như hiểu biết thêm
một chút, cho dù nó quấy khi ở trong viện nhưng khi về nhà nó đã lém lĩnh hơn,
linh hoạt hơn, hát nói nhiều hơn rất năng động. Đây cũng là những trải nghiệm
con thơ trải qua trong giai đoạn phát triển của mình
Con khỏe và đã về nhà |
Đây coi như là một trải nghiệm đáng nhớ, đáng ghi khắc trong
lòng tôi, lần đầu tiên tôi cảm thấy mình gánh vác trách nhiệm của một người phụ
huynh thật sự, lần đâu tiên tôi đuối rã rời nhưng không cho phép mình ngã quỵ,
vì tình yêu bao la tôi dành cho con. Và sau sự việc này, tôi mới nghiệm ra rằng,
sức tôi có thể làm tốt hơn, là được hơn nhiều những chuyện này, và nếu tôi bình
tĩnh hơn, nếu tôi thấu đáo hơn, có lẽ tôi sẽ còn có nhiều lực hơn để tập trung
lo cho việc chính, chứ không dễ bị đuối.
Paul Nguyen
Bài viết được gửi về cho trang web TGP Sài Gòn và được Ban biên tập biên tập lại và đăng trên web TGP Sài Gòn : Lần đầu nuôi con nằm viện (tgpsaigon.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét